Lưu ý khi điều trị tại nhà cho F0

08:30 12/01/2022

Thường xuyên theo dõi chỉ số SpO2 và sử dụng thuốc đúng cách là lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Huy Hoàng dành cho các F0.

Những ngày qua, bác sĩ chuyên khoa I, Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, Bộ Quốc phòng vừa điều trị cho bệnh nhân thở oxy, vừa tư vấn giúp các F0 tự chữa trị tại nhà. Qua trao đổi, chăm sóc và hỗ trợ những người nhiễm Sars-CoV-2, bác sĩ Hoàng nhận thấy, một số F0 vẫn chưa có sự hiểu biết nhất định về thiết bị đo SpO2 cũng như cách sử dụng thuốc. Dưới đây là một vài lưu ý từ bác sĩ.

Thường xuyên theo dõi chỉ số SpO2

Khoảng 10% số người gọi điện cho bác sĩ Hoàng nhờ tư vấn vẫn chưa biết thiết bị đo SpO2 là gì. Đây thực chất là các máy đo nồng độ oxy trong máu ngoại vi (pulse oximeter), là một trong những thông số đặc biệt quan trọng đối với quá trình điều trị và hồi sức của người bệnh. SpO2 là từ viết tắt của cụm từ Saturation of peripheral oxygen - độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi. Hiểu một cách khác, SpO2 là tỷ lệ hemoglobin oxy hóa (hemoglobin có chứa oxy) so với tổng lượng hemoglobin trong máu. Hemoglobin là một protein được tìm thấy trong các tế bào hồng cầu, quyết định màu đỏ của hồng cầu. Một người khỏe mạnh sẽ có độ bão hòa oxy động mạch ngoại vi (SpO2) trong khoảng từ 95% - 100%. Nếu con số này hạ xuống dưới mức 90% thì bắt đầu gây nguy hiểm.

Khá nhiều người khi liên hệ với bác sĩ, SpO2 đã thấp, chỉ khoảng 90% nhưng vẫn ngại vào viện, dù đã được tư vấn và khi nhập viện, diễn biến đã nặng lên. Một số người muốn vào viện nhưng bị chậm trễ do không biết liên hệ với ai.

"Ngày thứ 7 - 10 sau nhiễm là khoảng thời gian bệnh có thể trở nặng. Có người sau 7 ngày hết sốt, hết virus (âm tính) nhưng sau đó ngày thứ 8 - 9, SpO2 giảm đột ngột, phải nhập viện khẩn cấp để cấp cứu. Do đó, việc đo SpO2 liên tục là rất cần thiết", bác sĩ nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, một số người nhầm tưởng Giá trị ngưỡng chu kỳ CT (cycle threshold) thấp thì bệnh nặng nhưng không phải vậy. Giá trị CT thấp chỉ có nghĩa là tải lượng virus trong niêm mạc đường hô hấp cao và dễ lây nhiễm cho người khác. Thực tế, có người tải lượng virus cao nhưng biểu hiện bệnh lại nhẹ và ngược lại.

Bác sĩ Huy Hoàng nhận hàng chục cuộc điện thoại nhờ tư vấn mỗi ngày của các F0 từ nhẹ tới nặng. Ảnh: NVCC

Bác sĩ Huy Hoàng nhận hàng chục cuộc điện thoại nhờ tư vấn mỗi ngày của các F0 từ nhẹ tới nặng. Ảnh: NVCC

Dùng thuốc đúng cách và có chỉ dẫn từ bác sĩ

Bác sĩ Huy Hoàng cho biết nhiều F0 dùng kháng viêm corticoid quá sớm (Medrol 16mg), có thể làm bệnh nặng hơn, virus nhân lên nhiều hơn. Con số này chiếm khoảng trên 20% các F0 gọi điện hỏi bác sĩ. Bên cạnh đó, dù một số F0 có đủ thuốc nhưng cách uống thuốc kiểu truyền tai nhau khá nguy hiểm. Ví dụ: uống hai loại kháng sinh cùng thành phần, cùng kháng viêm thành phần methylprednisolon 16mg nhưng tên khác nhau, uống luôn cả hai, dùng mấy loại chống đông cùng lúc...

Hiện tại, chỉ có 3 loại thuốc kháng virus đường uống được công nhận có hiệu quả, trong đó Paxlovid của Pfizer chưa có mặt ở Việt Nam, nên chỉ sẵn có hai loại là Favipiravir và Molnupiravir. Trong hai loại này, Molnupiravir gây ra một số lo ngại về sức khỏe sinh sản nên một số nước như Pháp và Ấn Độ đã quyết định không dùng. Favipiravir dường như an toàn hơn do đã được sử dụng từ lâu (tại Nhật, năm 2014) và sẵn có trên thị trường Việt Nam dưới dạng hàng xách tay từ Nga hoặc Ấn Độ.

Nhiều người không phân biệt được Molnupiravir và Favipiravir, cá biệt, có người dùng cả 2 loại hoặc cùng Favipiravir nhưng hai loại biệt dược khác nhau và uống cả hai, rất nguy hiểm.

"Kháng virus chỉ có tác dụng trong vòng 5 - 7 ngày sau khi nhiễm và cũng chỉ uống trong 5 - 7 ngày. Kháng viêm chỉ dùng khi SpO2 dưới 95% liên tục, thường xuyên. Kháng đông và kháng sinh có thể áp dụng linh hoạt nhưng vẫn cần liên hệ trực tiếp với bác sĩ để được hướng dẫn cách dùng. Với người nguy cơ cao nhưng chưa thể nhập viện ngay, ngoài tư vấn với bác sĩ để dùng thuốc, bình oxy (nên dùng loại 40 lít) hoặc máy tạo oxy cũng giúp 'câu giờ', giữ cho tình trạng bệnh không chuyển biến quá nặng", bác sĩ Hoàng chia sẻ.

Với các triệu chứng như: sốt, ho, ngạt mũi, đi ngoài, mẩn ngứa... bệnh nhân điều trị như lúc chưa mắc Covid-19. Ngoài ra, rất nhiều người thích xông hơi. Tuy nhiên, theo lời khuyên của bác sĩ, nếu sốt thì xông một chút có thể giúp đỡ mệt, không nên xông nhiều. Hiện nay, chưa có bằng chứng nào cho thấy xông hơi diệt được virus.

Bác sĩ Hoàng khẳng định hiện tại, về cơ bản, không có F0 nào thiếu thuốc. Nếu phường chưa phát, người bệnh có thể nhờ người quen mua tại các hiệu thuốc.

Hải My

Vnexpress

Gọi ngay